Theo thần phả làng này, chùa thờ Phật, đền thờ bốn vị Thánh tổ có công khai phá và dựng lên làng Cổ Chất hơn bốn thế kỷ qua.
Nơi đây có đền Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang tự. Đền chùa này đã hợp thành một quần thể kiến trúc của làng Cổ Chất được Bộ Văn hóa cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa đền chùa Cổ Chất.
Hằng năm vào ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch, làng Cổ Chất mở hội đón dân làng và khách thập phương tới dâng hương các vị thành hoàng, tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã dầy công xây dựng làng quê cho con cháu hôm nay.
Trong lễ hội dân làng nô nức rước kiệu, thi bơi chải và các trò chơi dân gian chọi gà, đánh đu, mở đầu cho một mùa tơ vàng, mùa lúa bội thu và cầu may cho nhà nhà an khang làm ăn thịnh vượng.
Nơi đây còn là cái nôi của nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, sản sinh ra loại vải tơ tằm đẹp nổi tiếng của đất thành Nam. Ngày nay, làng tơ Cổ Chất vẫn đang được các nghệ nhân lưu giữ những giá trị cổ về lịch sử, văn hóa và làng nghề truyền thống.
Khắp mọi nơi trong làng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ miệt mài luộc kén, kéo tơ trong các xưởng tại gia, những bó tơ vàng óng nằm phơi mình dưới nắng...
Những người nông dân Cổ Chất rất hiền lành, chịu khó gắn bó với nghề ươm tơ, dệt lụa, trồng lúa, chăn tằm... gợi nhớ hình ảnh của bất kỳ làng quê Việt nào.
Lê Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét